Phong trào HTX tỉnh Bắc Kạn: Phá “điểm nghẽn” để phát triển
- Thứ hai - 13/11/2017 10:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường trong chương trình khảo sát thực địa các HTX mới tại tỉnh Bắc Kạn ngày 20/6. Trong buổi thực địa, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cũng nhấn mạnh Liên minh HTX Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tạo mọi điều kiện phát triển cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Còn nhiều rào cản
Ông Nông Quốc Đới – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn – cho biết: “Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 90 HTX, với đặc thù tỉnh vùng cao, phong trào HTX trên địa bàn tỉnh chưa thực sự mạnh, nhưng các HTX đang hoạt động ổn định và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ”. Trao đổi với đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, các HTX mới của tỉnh Bắc Kạn đều cho rằng thị trường, quy tụ ruộng đất và vốn sản xuất là ba “điểm nghẽn” lớn nhất của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Văn Hải – Giám đốc HTX Bình Sơn (xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông), chia sẻ: “Sau hơn một năm hoạt động, HTX hiện có trên 20 thành viên, với thu nhập ổn định từ 3,6 – 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra vẫn do các thành viên HTX “tự tiêu” tại các chợ. HTX phấn đầu đến cuối năm 2017, sẽ thành lập điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại Tp.Hòa Bình”.
Cùng ý kiến, anh Cao Mạnh Hà – Giám đốc HTX Đại Hà (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông), cho hay: “Hiện tại, HTX đang có trên 30ha cây ăn quả, chủ yếu là cam Bắc Kạn (đã được cấp chỉ dẫn địa lý), đem lại thu nhập cao cho thành viên, nhưng việc tiêu sản phẩm cho bà con còn nhiều khó khăn (chỉ khoảng 50 – 70%)”.
Khả năng quy tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn cũng là “nút thắt” nan giải. Ông Lê Văn Hải cho biết, hiện tại HTX mới chỉ quy tụ được ba khu sản xuất lớn với diện tích 0,5 – 1,3ha, trong khi yêu cầu là từ 3ha trở lên, khiến HTX đánh mất nhiều hợp đồng lớn với các doanh nghiệp.
Vốn vay cũng đang là khó khăn chung của các HTX mới thành lập tại Bắc Kạn. Bà Lê Thị Hà – Giám đốc HTX chè Phương Mỹ (Ba Bể), cho biết: “Có vốn điều lệ hơn 500 triệu đồng, nhưng thiếu vốn sản xuất vẫn đang là thách thức của HTX. Thiếu vốn, phương tiện sản xuất lạc hậu khiến tốc độ gia tăng giá trị sản phẩm rất chậm, thậm chí là rất thấp”.
Đánh giá về phong trào HTX tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng Bắc Kạn là địa bàn có nhiều thuận lợi về tự nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm đang làm giảm tốc độ phát triển của phong trào HTX.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng Bắc Kạn là địa bàn có nhiều thuận lợi về tự nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh.
Giải pháp phá “điểm nghẽn”
“Sẽ cần quá trình dài để phát triển kinh tế hợp tác trên toàn tỉnh, việc cần làm trước hết là chọn ra những HTX điểm, điển hình và dồn mọi nguồn lực để phát triển các đơn vị này. Các HTX được chọn phải gây được tiếng vang và trở thành động lực thu hút và thúc đẩy các HTX khác làm theo. Chỉ khi thấy được sự khác biệt, hiệu quả của các HTX, người dân mới tin và đi theo”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nông Quốc Đới cũng cho rằng điều quan trọng hiện tại là tập trung khơi thông đầu ra cho sản phẩm. Theo khảo sát, thị trường nông sản tại Bắc Kạn vẫn còn rất tiềm năng, bởi 80% lượng rau củ của tỉnh vẫn phải nhập khẩu từ các thành phố lớn.
Nâng cao chất lượng nhân lực và trình độ quản lý cũng là đòi hỏi cấp thiết. Về “nút thắt” vốn sản xuất, ông Cao Anh Tuấn – Phó Giám đốc Quỹ hỗ trợ HTX (Liên minh HTX Việt Nam), khẳng định: “Đã có chính sách rất cụ thể và thông thoáng trong hỗ trợ vốn vay cho các HTX. Vấn đề là chính các HTX cũng chưa chủ động tiếp cận các chính sách này. Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẵn sàng hỗ trợ vốn vay, vấn đề là các HTX cần phải có kế hoạch rõ ràng, cho thấy tiềm năng của dự án”.
Để phát triển phong trào HTX tại Bắc Kạn trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường, cần phải chú ý đến ba điểm cốt lõi.
Thứ nhất, Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của HTX.
Thứ hai là chất lượng sản phẩm, phải đưa sản xuất vào chuỗi với chuẩn VietGAP. Đầu tư có trọng điểm, phát triển chiều sâu thay vì dàn trải, gây lãng phí.
Thứ ba là vấn đề xúc tiến thương mại. Cần tích cực kết nối, liên kết để mở rộng thị trường đầu ra. Các HTX cũng cần chủ động tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, đơn cử như Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy của các HTX.