Chuyện nuôi cá lồng trên dòng sông ‘hy vọng’
- Thứ hai - 09/11/2020 15:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhắc tới Cao Bằng, người ta thường nghĩ ngay tới một số đặc sản như thạch đen, miến dong Phia Đén, hạt dẻ Trùng Khánh… Tuy nhiên, vùng đất sơn thủy hữu tình này còn có một sản vật đặc sắc mà ít người hay biết, đó là cá lồng Pác Đa (xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).
Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều
Dù đã tiếp xúc với nhiều mô hình khởi nghiệp, nhưng câu chuyện khởi nghiệp của ông Bế Thành Đông mang lại cho PV nhiều cảm xúc đặc biệt. Đã gần 60 tuổi, và từng là cán bộ thuỷ lợi nhiều năm nhưng người đàn ông có dáng cao gầy và có phần khắc khổ này vẫn chưa tính đến chuyện nghỉ ngơi hay an phận tuổi già. Trong ông vẫn đang nung nấu chiến lược dài hơi, với tham vọng mở rộng số lượng lồng cá trên dòng sông “hy vọng”, giúp bà con dân tộc nơi đây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất khô cằn sỏi đá Quảng Hoà.
Ngay sau khi nhận sổ hưu, ông quyết định rẽ ngang cuộc đời, khởi nghiệp ở tuổi xế chiều. Ở độ tuổi chưa phải là già nhưng cũng không còn trẻ của ông thì bạn bè đã dự tính một kế hoạch nghỉ ngơi, du lịch đây đó thì ông “đổ” tất cả vốn liếng xuống sông, nuôi cá.Cơ duyên đưa ông Đông đến với nghề nuôi cá lồng cũng thật tình cờ. Như đã nói ở phần đầu, là người niều năm làm thủy lợi, ông Đông đi đến nhiều nơi, chứng kiến nhiều người mua nhà, mua xe nhờ nuôi cá. Nhận thấy địa phương có dòng sông dài, nước trong xanh nhưng người dân chưa khai thác hết tiềm năng, ông Đông đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp.
Thời gian đầu, ông tận dụng lũy tre già sau nhà, chặt xuống, vót lạt buộc làm lồng cá, đóng khung gỗ hai bên sườn làm thành phao. Tuy nhiên, lồng cá bằng tre thời gian sử dụng không được lâu, tỷ lệ cá bị thất thoát cao.
"Đỉnh điểm năm nước lũ lên cao đứt dây trôi mất cả lồng cá. Ngoài ra, việc chưa chú trọng phòng bệnh cho cá cũng khiến cá nhiễm bệnh, chết hàng loạt, thiệt hại lên tới vài chục triệu đồng", ông Đông nhớ lại ngày đầy lập nghiệp đầy khó khăn.
Không nản chí, ông “nối máy” với những người bạn gần xa, học hỏi cách làm lồng cá chắc chắn. Lần này, ông quyết định chơi lớn khi đầu tư đóng 3 lồng nuôi cá bằng sắt, thép với diện tích trung bình mỗi lồng gần 20m2, sâu gần 2m.
Chi phí đầu tư cho một lồng cá khoảng 20 triệu đồng nhưng cho thấy hiệu quả rõ rệt, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ thu hồi vốn nhanh.
Càng làm ông càng hăng say và muốn lan tỏa mô hình đến người dân xung quanh, ông vẫn còn tiếp tục ấp ủ kế hoạch của cuộc đời mình.
“Bà con xung quanh thấy mô hình nuôi cá hiệu quả liền ngỏ ý học theo. Thanh niên ở bản đến thành phố, vùng mỏ để xây hoài bão lớn, làng quê chỉ còn lại người trung niên, đời sống vẫn khó trăm bề. Do đó, tôi quyết định thành lập HTX nhằm mở rộng quy mô và lan tỏa quy mô kinh tế mới, giúp đỡ những người nghèo bớt nghèo”, ông Đông nói.
Cùng bà con trở thành “triệu phú”
Cuối năm 2019, HTX cá lồng Pác Đa được thành lập với 17 thành viên. Từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay diện tích chăn nuôi cá lồng tại xã Độc Lập quy về một mối, với hơn 50 lồng cá, tạo thành chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc HTX Bế Thành Đông cho biết, thành viên phải tuân thủ quy trình chăn nuôi cá sạch của HTX nhằm thống nhất về chất lượng và xây dựng uy tín trên thị trường. Cụ thể, một lồng chỉ được nuôi thả từ 150 - 300 con cá trắm giống với trọng lượng dưới 0,8 kg/con. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, ngô, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp, tăng trọng.
Đồng thời, ngay từ khi nhập cá giống về phải chú ý sát khuẩn bằng nước muối. Nếu cá có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa cần sử dụng vôi bột, lá xoan vò nát để chữa trị kịp thời. Sau 8 - 9 tháng nuôi cá đạt trọng lượng mỗi con từ 3 - 5 kg. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm, 3 lồng cá của ông Đông cho khoảng 1,5 tấn cá, trừ chi phí đem lại thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng.
Với tầm nhìn xa và kinh nghiệm dày dặn của lão nông Bế Thành Đồng đã giúp người dân thay đổi suy nghĩ và tiến thân làm giàu. Anh Bế Ích Việt, thành viên HTX chia sẻ: Trước đây, gia đình anh chỉ biết trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ. Được ông Đông hướng dẫn, thấy mô hình nuôi cá lồng dễ làm, đầu tư không lớn mà cho thu nhập ổn định đã đầu tư nuôi 2 lồng cá. Giờ đây, cứ dịp cuối năm, thương lái ở thành phố và một số huyện lân cận chủ động gọi điện đặt hàng trước, gửi về tận nơi cho họ.
Mô hình nuôi cá lồng của HTX bước đầu đi vào ổn định, tuy nhiên ông Đông vẫn trăn trở: “Dù cá lồng Pác Đa được nhiều người biết đến nhưng đầu ra còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, chưa có đơn vị đứng ra thu mua với giá ổn định, sản lượng ổn định. Do đó, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá lồng Pác Đa và kết nối cung-cầu để bà con yên tâm mở rộng sản xuất”.
Theo ông Hoàng Huy Hiệp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Hòa, mô hình nuôi cá lồng trên sông bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có nhiều hộ vươn lên khá giả. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy lợi thế địa phương, mở rộng quy mô, vận động thêm nhiều hộ gia đình nuôi cá theo mô hình này.
"Huyện sẽ xem xét một số chính sách hỗ trợ vốn làm lồng, cấp con giống, mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mô hình kinh tế tiêu biểu như ở Pác Đa", ông Hiệp nhấn mạnh.