Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng

https://lmhtx.caobang.gov.vn


PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp,... Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua Liên Minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng đã quan tâm phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, nông hộ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Được sự quan tâm của Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có chủ trương chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã (HTX)  cùng với sự cố gắng nỗ lực của nhân dân kinh tế tập thể, HTX trong tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng đã quan tâm phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, nông hộ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 536 tổ hợp tác (THT), số thành viên tham gia các THT là 7.331 thành viên với tổng quỹ khoảng 34.553 triệu đồng; trên địa bàn tỉnh có 386 HTX tăng 8.1% so với cùng kỳ năm 2020 (357 HTX). Các HTX hiện nay hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như: Lĩnh vực Nông lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp: có 127 HTX; Lĩnh vực Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: có 71 HTX: Lĩnh vực Sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng: có 110 HTX; Lĩnh vực Thương mại, dịch vụ: có 45 HTX; Lĩnh vực Giao thông vận tải: có 15 HTX; Hợp tác xã khác (vệ sinh môi trường): có 18 HTX. Kinh tế tập thể, HTX  trên địa bàn tỉnh hiện nay phát triển cả về số lượng và chất lượng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhiều ngành nghề lĩnh vực (đặc biệt là sự gia tăng mạnh của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp) đã tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động góp phần ổn định phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Nhiều HTX đã chủ động thích ứng với hoàn cảnh mới duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề như: chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, chế biến nông sản, một số HTX đã tái cơ cấu chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa có giá trị cao (như trồng nấm hương, nuôi bò 3B, trồng nho đen công nghệ cao)…….đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, nhờ vây việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp cho hộ gia đình khá thuận lợi, khuyến khích được thành viên HTX và người lao động phấn khởi tham gia liên kết sản xuất kinh doanh.
z3135037189068 9747b67de5c0da9c7fefc3395431d951
(Hình ảnh hoạt động tuyên truyền thành lập Hợp tác xã tại xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng năm 2021
Trong thời gian vừa qua để công tác phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã và Dự án kinh doanh cho nông hộ (CSSP), trường Chính trị Hoàng Đình Giong đã tham gia thực tế về hoạt động tuyên truyền, vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) cho cán bộ chủ chốt, trưởng nhóm đồng sở thích CIG/THT tại huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An. Qua những cuộc tham gia tập huấn tại cơ sở giúp cho giảng viên trường nắm được thực trạng về thành lập hợp tác xã tại một số địa phương ở tỉnh Cao Bằng. Việc tìm hiểu hoạt động, tuyên truyền thành lập HTX giúp giảng viên vận dụng vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn cơ sở với một số nội dung bài trong chương trình Trung cấp lý luận Chính trị, cùng với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đối với chuyên đề “Quản lý kinh tế ở cơ sở”. Thông qua giảng dạy, giảng viên cung cấp những kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tập thể, từ đó hình thành kỹ năng thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở từ việc hiểu được vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc thành lập HTX tại địa phương hiện nay, mỗi học viên có thể là một tuyên truyền viên giúp người dân hiểu được các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy trình, thủ tục thành lập HTX. Yêu cầu học viên nắm chắc các quy định của pháp luật, tìm hiểu các phong tục tập quán, thể mạnh, đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế, yếu kém như: Số lượng HTX tạm ngừng hoạt động nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và năng lực quản trị kém hiệu quả; một số HTX còn lúng túng trong việc định hướng phát triển xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài; HTX nông nghiệp chủ yếu còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, chưa có sản phẩm hàng hóa đủ lớn và ổn định về chất lượng; thiếu vốn không có điều kiện nâng cấp đổi mới công nghệ, kỹ thuật chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; nhiều HTX chưa mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Nguyên nhân của những hạn chế của các HTX trên địa bàn tỉnh Cao Bằng: Công tác triển khai thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể chưa đồng bộ, nguồn lực tài chính thực hiện sản xuất kinh doanh còn hạn chế; công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tập thể, HTX của một số cấp ủy Đảng, Chính quyền và tổ chức đoàn thể chưa thực sự quan tâm đúng mức; bản thân một số HTX chưa thật sự năng động, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác trong cơ chế thị trường để phát triển;  quy mô sản xuất kinh doanh của các tổ hợp tác, hợp tác xã còn nhỏ; cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị máy móc công nghệ lạc hậu là chủ yếu; trình độ năng lực quản trị của cán bộ một số HTX còn thiếu và yếu.
Trong những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, góp phần trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Để kinh tế tập thể, Hợp tác xã tại tỉnh Cao Bằng  đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, cần có những  giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam; công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố về phát triển kinh tế tập thể;
Thứ hai, cần tiếp tục phát huy  vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển kinh tế tập thể;
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển HTX, THT và công tác phát triển thành viên; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ Hợp tác xã & Doanh nghiệp nhỏ;
Thứ ba, Đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa Liên minh hợp tác xã với Dự án kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và trường Chính trị Hoàng Đình Giong để chất lượng hoạt động tuyên truyền, vận động thành lập HTX ngày càng hiệu quả;
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình hoạt động các HTX, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về kinh tế tập thể, HTX;
Thứ sáu, quan tâm giải quyết khó khăn cho HTX như tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm, liên kết với các Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, định hướng ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp để phát triển ổn định, bền vững;
Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ phụ trách kinh tế tập thể, thành viên các HTX, cán bộ chủ chốt HTX nhằm đáp ứng nhu cầu công việc;
Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để tạo điều kiện cho các HTX được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động;
Kinh tế tập thể, hợp tác xã có ý nghĩa rất quan trọng trong không chỉ riêng tại tại tỉnh Cao Bằng mà nó còn có ý nghĩa đối với nền kinh tế cả nước nói chung. Phát huy tốt vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ góp phần rất tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân đem lại ổn định trật tự chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện kinh tế để phát triển kinh tế địa phương trong giai đoạn hiện nay./.

Nguồn tin: Hoàng Ngọc Mai - Thạc sỹ - Giảng viên trường Chính trị Hoàng Đình Giong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây