Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng

https://lmhtx.caobang.gov.vn


Tín hiệu vui trong xây dựng HTX nông nghiệp ở Cao Bằng

Mặc dù còn một số khó khăn trong phát triển các HTX nông nghiệp, tuy nhiên, mô hình HTX kiểu mới tại tỉnh Cao Bằng đã và đang mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh có 358 HTX; Liên minh HTX tỉnh có 145 đơn vị thành viên. Số HTX đang hoạt động: 233/358 HTX, chiếm 65%; số HTX ngừng hoạt động: 125/358 HTX, chiếm 35%. Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 78/358 HTX.
Khó khăn về vốn
Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông, lâm nghiệp nhưng chỉ có 87 HTX hoạt động trên lĩnh vực này, chiếm hơn 23% tổng số HTX toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở TP Cao Bằng (24 HTX); Hòa An (10 HTX); Nguyên Bình (8 HTX), còn lại các huyện khác chỉ có vài HTX, cá biệt như Quảng Uyên, Hạ Lang mỗi huyện chỉ có 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đa phần các HTX nông nghiệp này trước đó hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, kết hợp với nông nghiệp. Đơn cử như HTX Thắng Lợi hoạt động hiệu quả trong ngành nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất gạch không nung, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hà Quảng.
Tuy nhiên, ở một số HTX, việc kết hợp này không hiệu quả. Thậm chí có huyện có rất ít HTX nông nghiệp. Như toàn huyện Hạ Lang có 11 HTX nhưng chỉ có 1 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, ngoài ra có 1 HTX thành lập tháng 7/2018 đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nhưng chưa hoạt động.

Có những HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, nhưng đó chỉ là đốm sáng trong bức tranh chung, vì theo các HTX nông nghiệp, khó khăn nhất là được hỗ trợ vay vốn.
Trong 87 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì có đến 16 HTX đã ngừng hoạt động. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa tập trung thành hàng hóa, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực quản lý còn yếu, chưa đáp ứng với cơ chế thị trường; việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ HTX còn có những bất cập, không có tính khả thi cao. Đơn cử như chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 58/NQ-HĐND, giai đoạn 2018 - 2019 tỉnh bố trí 19 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nhưng đến nay mới giải ngân được gần 5 tỷ đồng.
Ồng Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết, sở dĩ khó khăn phát triển HTX nông nghiệp là do địa bàn chia cắt, việc tích tụ đất đai còn hạn chế, người dân tiếp cận tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt cũng hạn chế. Hơn nữa, việc tìm đầu ra tiêu thụ cho hàng nông sản còn khó khăn, người dân thiếu vốn và việc chuyển đổi cây trồng không phải ngày một ngày hai. Có những công ty muốn phát triển cây mac-ca, sachi… nhưng mục đích của họ chỉ là bán cây giống, chứ không hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc hay bao tiêu sản phẩm. Do đó, các HTX nông nghiệp cũng không đủ khả năng chuyển đổi sang loại cây trồng này.
Đầu tư cho HTX nông nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 12/7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nội dung Nghị quyết bao gồm các chính sách về hỗ trợ tập trung đất đai; tín dụng; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Hỗ trợ sản xuất giống, nuôi, trồng dược liệu; trồng hoa, rau, củ, quả, trồng dâu nuôi tằm, cây thạch đen, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi gia súc (ngô sinh khối, cỏ chăn nuôi các loại); đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; trồng rừng và khoanh nuôi rừng có trồng bổ sung; Hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...
 

Tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án. Tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ... Đây là tín hiệu vui để HTX nông nghiệp có điều kiện phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp của địa phương.
Theo ông Đàm Văn Độ, để hỗ trợ các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được cấp vốn năm 2019-2020 là 10 tỷ đồng. Đến nay, Liên minh tỉnh đã giải ngân được 5 tỷ đồng, với 15 HTX được tiếp cận nguồn vốn.
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý 1,4 tỷ đồng. Hiện nay, có 6 HTX đang thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng còn phối hợp với một số ban ngành của Liên minh HTX Việt Nam khảo sát thẩm định hỗ trợ cho HTX An Thịnh xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh sản xuất theo chuỗi giá trị; lựa chọn HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bạch Nga huyện Quảng Uyên tham gia hỗ trợ sản xuất theo chuỗi.
“Thời gian qua, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến khá tích cực, đặc biệt là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có nhiều HTX tìm được hướng phát triển bền vững, là đầu mối quan trọng giúp các loại nông sản như rau sạch, trái cây... của tỉnh tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng khẳng định.
 

Nguồn tin: Trang Minh – Thời báo kinh doanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây