TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022
- Chủ nhật - 03/07/2022 17:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, các huyện và thành phố thường xuyên quan tâm và có chủ trương chính sách phù hợp phát triển kinh tế tập thể, HTX đã góp phần nâng cao năng lực quản lý đối với cán bộ HTX, tạo điều kiện để HTX đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường để sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân. Tạo việc làm và thu nhập cho thành viên HTX và người lao động góp phần đảm bảo an ninh xã hội, đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương.
2. Một số kết quả đạt được
2.1. HTX, THT
- Tổng số Hợp tác xã đến tháng 06/2022 toàn tỉnh có 391 HTX tăng 5,6 % so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (370 HTX). Trong đó HTX nông nghiệp: 136, HTX phi nông nghiệp: 255
Trong đó: Số HTX đang hoạt động: 288/391 chiếm 74 %; Số HTX ngừng hoạt động: 103/ 391 chiếm 33%;
Số HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 là 315/391 chiếm 80,5% HTX; Chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012: 76/391 HTX, chiếm 19%.
- Thành lập mới 11 HTX, bằng 100 % so với cùng kỳ năm 2021 (11 HTX);
- Số hợp tác xã giải thể 6 tháng đầu năm 2022: 05 HTX, tăng 66 % so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (03 HTX).
- 6 tháng đầu năm kết nạp mới 7 thành viên HTX, bằng 100 % so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (7 thành viên) nâng số thành viên của Liên minh HTX tỉnh: 163 chiếm 44%.
Tổng số thành viên của HTX là 3.412 thành viên; Tổng vốn điều lệ 801 tỷ đồng; Số tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh là 584; 01 Liên hiệp hợp tác xã.
Sáu tháng đầu năm 2022 tình hình KTTT, HTX vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm, từ tháng 4 tới nay tuy dịch bệnh có suy giảm, nhưng vật giá leo thang do giá dầu tăng cao dẫn tới hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn còn hoạt động cầm chừng, sản phẩm làm ra chưa đạt hiệu suất cao, nhiều hợp tác xã khó khăn để tái cơ cấu sản xuất và hội nhập lại với thị trường sau thời gian tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng dịch bệnh (thiếu nguồn lực tài chính và lao động phục vụ sản xuất…).
2.2. Đánh giá theo từng lĩnh vực
Trong 391 HTX: Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng: 108 HTX, chiếm 27%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 70 HTX, chiếm 18 %; dịch vụ vệ sinh môi trường: 19 HTX, chiếm 5%; giao thông vận tải: 15 HTX, chiếm 4%; nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp: 136 HTX, chiếm 35%; thương mại, dịch vụ: 43 HTX, chiếm 11%.
- Lĩnh vực nông lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp: có 136 HTX
Các HTX nông nghiệp vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, mở rộng nhiều ngành nghề, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân. Tuy nhiên HTX nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, chưa có sản phẩm hàng hóa đủ lớn và ổn định về chất lượng, chưa làm được vai trò dịch vụ đầu vào- đầu ra cho sản xuất theo cơ chế thị trường. Nguyên nhân do: thiếu vốn, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế; một số mặt hàng chưa có thương hiệu, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, việc tập trung tích tụ đất đai và điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
- Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: có 70 HTX
Hoạt động của các HTX tập trung chủ yếu vào các ngành nghề như cơ khí sửa chữa, chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung, sản xuất đồ gỗ, đan lát…Nhiều HTX đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện tổ chức sản xuất quản lý, bước đầu đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên nhiều HTX ngừng hoạt động do quy mô HTX nhỏ, thiếu điều kiện nâng cấp đổi mới công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu tính ổn định, mẫu mã sản phẩm kém hấp dẫn chậm đổi mới và sức cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh tế thấp.
- Lĩnh vực xây dựng: Có 108 HTX, các HTX trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng hoạt động hiệu quả, phát triển hầu hết ở các huyện, thành phố trong tỉnh, đóng góp phần lớn về việc cung ứng các loại vật liệu xây dựng (gạch, đá, sỏi….) tham gia đấu thầu thi công các công trình dân dụng quy mô nhỏ.
- Lĩnh vực thương mại, dich vụ: Có 43 HTX, các HTX hoạt động duy trì sản xuất tương đối ổn định, cung ứng và luân chuyển hàng hóa ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới ngăn dich bệnh lây lan nhiều HTX hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, bốc xếp vật tư ngừng hoạt động.
- Lĩnh vực vận tải: Có 15 HTX, các HTX vận tải đã chú trọng đầu tư nâng cấp phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng xe khách phục vụ hành khách; chủ động khai thác luồng, tuyến vận tải đường dài, dịch vụ vận tải kết hợp với du lịch, vận tải hàng hóa, dịch vụ phụ tùng và sửa chữa, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho thành viên, người lao động. Tuy nhiên, hoạt động vận tải còn gặp khó khăn, thiếu trụ sở làm việc, thiếu mặt bằng, bến bãi đỗ xe.
- Lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường và lĩnh vực khác: Có 19 HTX, các HTX được thành lập và hoạt động phục vụ công ích xã hội (thu gom, xử lý rác thải, nạo vét khơi thông cống thoát nước, lắp hệ thống điện chiếu sáng đô thị, quản lý, trồng mới, chăm sóc cây xanh…) đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn dân cư và ngày càng phát huy tác dụng, hoạt động mang ý nghĩa xã hội- công ích thiết thực.
2.3. Công tác tuyên truyền phát triển HTX và Thành viên
Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã chủ động phối hợp với sở, ban, ngành liên quan, Đài truyền thanh - truyền hình, Báo Cao Bằng thường xuyên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cụ thể như: Tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ 5 BCH TW Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể bằng nhiều hình thức như báo, đài phát thanh, truyền hình và trên trang thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh[1].
Phối hợp với dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ “Thực hiện hỗ trợ một số nhóm sở thích điểm thành lập hợp tác xã”[2]
Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản, chính sách mới về KTTT, HTX; Tuyên truyền Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 04/11/2021 về thực hiện kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2.4. Công tác tư vấn, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên
Tiếp tục tư vấn, hỗ trợ cho các HTX vay vốn từ nguồn vốn Hỗ trợ tạo việc làm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh.
Xây dựng kế hoạch cụ thể và thành lập Ban thực thi thực hiện dự án theo hợp đồng phối hợp đã ký với Ban Điều phối Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh; Thực hiện Chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình phối hợp xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, hợp tác xã SXKD theo chuỗi giá trị và hội nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020-2025; Thực hiện chương trình kế kết giữa Uỷ Ban Dân tộc tỉnh và Liên minh HTX tỉnh năm 2022.
Phối hợp với Viện Phát triển kinh tế hợp tác trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam nghiệm thu mô hình HTX sản xuất miến dong gắn với xử lý môi trường tại HTX dong giềng Trung Hiếu (huyện Nguyên Bình); Tư vấn, kết nối, hỗ trợ HTX 686 hoàn thiện hồ sơ lần 01 theo Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Hỗ trợ các HTX tham gia Hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm hợp tác xã khu vực phía Bắc năm 2022 tại tỉnh Ninh Bình, Hà Nội[3]
Tham mưu cho lãnh đạo tổ chức tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tặng quà cho 02 HTX[4]
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong và ngoài tỉnh góp ý xây dựng các chương trình phối hợp có liên quan; Tuyên truyền phổ biến các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2022; Tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo năm 2022.
Xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn tham dự khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại Hợp tác xã (Coop- Expo 2022) tại Hà Nội;
2.5. Công tác Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh:
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tư vấn, hỗ trợ 5 HTX tiếp cận nguồn vốn của quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và nguồn quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm. Các hợp tác xã sau khi vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động[5].
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội đang dần phục hồi sau Đại dịch Covid-19, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của HTX. Nhưng các HTX đã cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như: mở rộng thêm ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp; nâng cao năng lực cán bộ HTX; tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị; vận động kết nạp thành viên, huy động vốn góp của thành viên; tổ chức lại hoạt động HTX theo Luật HTX 2012.
Nhiều HTX đã giải quyết tốt nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động trong HTX như: đóng bảo hiểm xã hội, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người lao động; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ theo quy định của Nhà nước; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nộp ngân sách đầy đủ.
Nhìn chung kinh tế tập thể, HTX vẫn có chiều hướng phát triển, nhiều HTX mới được thành lập đặc biệt là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thêm được việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
2. Tồn tại
Tốc độ tăng trưởng kinh tế HTX còn chậm; hiệu quả kinh doanh thấp, phát triển chưa bền vững; số HTX tạm ngừng hoạt động còn nhiều; sản phẩm hàng hóa HTX chưa nhiều, chưa đa dạng, chưa có sức cạnh tranh; năng lực tài chính HTX còn hạn chế không đủ khả năng thực hiện mở rộng sản xuất, kinh doanh; một số HTX còn lúng túng trong việc định hướng phát triển, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài;
* Nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ quan: Bản thân một số HTX chưa thật sự năng động, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác trong cơ chế thị trường để phát triển; Quy mô sản xuất, kinh doanh của HTX còn nhỏ, manh mún; cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị, máy móc công nghệ lạc hậu, chắp vá; cán bộ quản lý HTX trình độ năng lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; Nhiều HTX chưa thật sự phấn đấu vươn lên còn có tư tưởng trông chờ vào cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước;
- Nguyên nhân khách quan: Ảnh hưởng của dịch Covid 19 lan rộng dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm cho kinh tế phát triển chậm, mức tiêu thụ hàng hóa giảm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng doanh thu của các hợp tác xã; ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukraina giá dầu trên thế giới tăng cao dẫn tới khó khăn trong việc SXKD của các HTX.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của tỉnh về kinh tế tập thể đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện mới;
2. Nâng cao chất lượng tin bài, thông tin trên website của tỉnh, của cơ quan. phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở trung ương và địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hợp tác xã. Xây dựng nội dung và phương pháp đào tạo, tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng để việc tuyên truyền thiết thực và hiệu quả, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
3. Hướng dẫn tổ chức, củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
4. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên trong hợp tác xã; vận động thành viên hợp tác xã góp vốn tăng quy mô vốn điều lệ; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chương trình OCOP và Đề án phát triển nông nghiệp thông minh của tỉnh; tháo gỡ rào cản nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các hợp tác xã.
5. Nâng cao năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước: bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, thành viên HTX; Tuyên truyền, hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các nguồn tín dụng khác. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, nhất là sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,...
6. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, địa phương và các nguồn lực hỗ trợ HTX trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT./.
[1] Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã tỉnh 15 tin bài, 06 tin thời sự về kinh tế tập thể phát trên thời sự Cao Bằng, Báo Cao Bằng, 02 tin được đăng trên bản tin Thông báo nội bộ - Tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ, Ban tuyên giáo Tỉnh Ủy Cao Bằng
[2] Tuyên truyền về vai trò, lợi ích khi thành lập HTX cho sáng lập viên tại 22 xã dự án thuộc huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng được 22 Hội nghị với hơn 350 người tham dự; 01 Hội nghị tập huấn Hội Nông dân tỉnh với 22 học viên.
[3] HTX Nông nghiệp Yên Công, HTX Nông nghiệp Ba Sạch, HTX Nông nghiệp vùng cao, HTX Tâm Hoà, HTX Nông nghiệp sạch Cao Bằng;
[4] HTX Đề Thám và HTX Chế biến gỗ Sông Hiến.
[5] Số tiền giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022: 1.950.000.000đ (một tỷ chín trăm năm mươi triệu đồng) cho 07 hợp tác xã thành viên.