Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa tư tưởng hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế hợp tác, HTX. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu “ Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận HTX đều nằm trong điều ấy. Người còn nói về tính chất HTX là tổ chức kinh tế - xã hội; cách tổ chức HTX phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp đến cao.
Năm 1945, sau khi Việt Nam giành được độc lập, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã. Ngày 11/4/1946, Bác viết thư kêu gọi điền chủ nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu quốc số 229, ngày 01/5/1946). Trong thư, Bác viết:
Đồng bào điền chủ nông gia!
Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.
Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã.
Hợp tác xã là gì ?
Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều. Vì vậy:
Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông. Nó là một cách tranh đấu kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà.
Hợp tác xã nông nghiệp là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng.
Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân.
Hỡi đồng bào điền chủ nông gia!
Anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã.
Tục ngữ có câu: “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Đồng bào điền chủ nông gia hãy hǎng hái cùng nhau làm việc kiến quốc đó.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, hàng loạt các cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đầu là các tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành, rồi đến các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ vào những năm 50 - 60 của thế kỷ 20.
Sau 19 năm, cũng vào ngày 11 tháng 4 (ngày 11/4/1964), Bác Hồ gửi thư cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến, nhưng Bác vẫn yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các HTX nông nghiệp phát triển…
Với ý nghĩa của ngày 11 tháng 4, ngày đánh dấu 2 sự kiện quan trọng đối với phong trào HTX của Việt Nam, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam khóa IV (nhiệm kỳ 2010 – 2015) thống nhất trình và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 11 tháng 4 hàng năm là Ngày Hợp tác xã Việt Nam (Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 27/7/2011).
Ôn lại lịch sử ngày truyền thống HTX Việt Nam 11/4, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp quan trọng của phong trào hợp tác xã đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời thấy được sự quan tâm sâu sắc của Bác, của Đảng, Nhà nước đối với phong trào kinh tế tập thể, mà nồng cốt là hợp tác xã.
Nguồn tin: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vca.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn