Cao Bằng: Sợi miến nhỏ góp sức vào mục tiêu lớn giảm nghèo
Thứ ba - 22/09/2020 05:33
Nhờ chuyển đổi từ trồng ngô và lúa sang trồng cây dong riềng và sản xuất miến, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nguyễn Huệ (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) thay đổi tích cực. Bà con xây được nhà mái bằng kiên cố, trẻ em được tiếp tục hành trình đi tìm con chữ...
Xã Nguyễn Huệ là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhất là người Nùng với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo… Nghề làm miến dong ở đây có từ đầu những năm 1950, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đi vào quy củ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Năm 2013, HTX Án Lại được thành lập, được ví như “cú hích” lịch sử trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế hợp tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn.
Trồng cây “lộc trời”, giữ nghề truyền thống
Ông Hoàng Văn Tư - Giám đốc HTX Án Lại dẫn chúng tôi đến thăm những ruộng dong riềng xanh mướt, trải dài trong thung lũng đang chờ thu hoạch. Ông Tư cho biết, cây dong riềng được coi là cây “lộc trời” bởi phù hợp với khí hậu se lạnh, chất đất đồi núi, không kỳ công chăm sóc vẫn cho năng suất 80 tấn/ha/năm. Loại cây này chủ yếu phục vụ chế biến tinh bột và miến dong trên địa bàn xã.
Khoảng 20 năm trước, khi người dân Án Lại vẫn trồng ngô, trồng lúa, các hộ làm miến dong phải “xếp hàng” chờ mua bột dong riềng của những thương lái vùng khác với giá đắt cắt cổ, sản xuất gần như không có lãi. Trước thực trạng đó, năm 2013, ông Tư kêu gọi bà con phát triển vùng nguyên liệu dong riềng, sản xuất tinh bột để vừa giữ gìn nghề làm miến của ông cha, vừa phát triển kinh tế gia đình, không để xảy ra tình trạng thương lái ép giá.
Ban đầu, nhiều người còn nghi ngại nhưng khi được HTX cho ứng trước giống và phân bón, bà con đua nhau tăng gia sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu hơn 100ha. Bên cạnh việc chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, HTX Án Lại còn đầu tư hệ thống máy rửa củ, máy xát, máy nghiền, máy vắt và hệ thống bể lắng, lọc.
“Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Cao Bằng, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng, HTX có thể xây dựng nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, từ đó giúp bà con nông dân có của ăn của để, no ấm hơn trước đây”, ông Tư cho biết.
Nghề làm miến vất vả và nhọc nhằn, bởi phần lớn các công đoạn đều phải làm thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Củ dong riềng được trồng từ tháng 2, 3 âm lịch đến khoảng tháng 10, 11 thì được thu hoạch. Những củ dong to, đều và già được cho vào máy rửa sạch, xát vỏ, nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Bột được ngâm trong bể lắng, khoắng lọc nhiều lần để loại bỏ sạn cát, tạp chất. Tinh bột được pha với tỷ lệ 3 sôi – 2 lạnh, khoắng đều tay đến khi bột chín, dẻo, mịn thì cho vào khuôn ép thành sợi miến, rồi dàn miến ra phên đem phơi.
Những ngày mưa, làng miến “im ắng” vì không ai sản xuất. Người dân tranh thủ những ngày nắng đẹp, hò nhau sản xuất gấp 2-3 lần ngày thường để cung ứng đủ cho thị trường. Nghề làm miến ở làng Án Lại rộ nhất trong 3 tháng cuối năm để bán cho người dân ăn tết. Trung bình mỗi hộ dân sản xuất khoảng 6 tấn miến/năm, có thời điểm làm không kịp bán.
Thương hiệu miến dong Án Lại nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh nhờ hương vị đặc biệt từ bột dong riềng đỏ nguyên chất, không sử dụng pha chất phụ gia, chất bảo quản. Sợi miến có phần thô, to và không được bóng bẩy như nhiều loại miến khác trên thị trường nhưng thơm ngon, dai giòn và đặc biệt nấu kỹ không gãy, nát. Vì vậy, miến dong Án Lại được người tiêu dùng trên cả nước “săn lùng” và đặt mua. Vào thời điểm cuối năm, những đoàn xe ô tô chở miến tấp nập như trẩy hội, bà con ai nấy cũng vui như được mùa. Cuộc sống ở HTX không còn hộ nghèo
Không chỉ là cây “lộc trời” dễ trồng, cho năng suất cao, cây dong riềng còn đóng vai trò là “cây làm giàu”, cùng với nghề sản xuất miến dong đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. HTX Án Lại đang bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hơn 200 hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 4,6 tỷ đồng.
Hiện nay, các hộ thành viên của HTX Án Lại và khoảng 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên HTX hầu hết đã “gạch tên mình” khỏi danh sách hộ nghèo, phấn đấu phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhờ trồng dong riềng, làm miến, các thành viên và hộ liên kết thu lãi đều mỗi năm, có tiền dư xây nhà, sắm sửa xe cộ, đồ dùng gia đình, nuôi con ăn học.
Nhớ lại năm 2000, ông Lương Văn Quân (dân tộc Nùng) tại thôn Án Lại kể: Lúc đó, vợ chồng ông đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, gia đình chẳng có gì ngoài ngôi nhà gỗ, tường đất. Nếu cứ trồng ngô, trồng lúa thì chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà, con cái có thể phải bỏ học sớm.
“Từ năm 2002, theo hướng dẫn của cán bộ xã Nguyễn Huệ, gia đình tôi trồng cây dong riềng. Từ đó đến nay, cây dong riềng là nguồn thu chính cho gia đình. Năm 2012, vợ chồng tôi xây được căn nhà 2 tầng, nuôi được đàn gia súc. Hai đứa con được học hành đầy đủ, một đứa học Sư phạm, một đứa học tiếng Ngoại ngữ, nay đã ra trường”, ông Quân chia sẻ với tất cả niềm tự hào.
Cũng phất lên nhờ cây dong riềng, ông Nông Văn Lưu (dân tộc Nùng), thành viên HTX cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 1.000m2 trồng dong riềng, mỗi năm có thể sản xuất ra 3 tấn tinh bột. Nhờ chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng dong riềng, giá trị kinh tế tăng lên gấp 4-5 lần. Từ sản xuất tinh bột và chế biến miến dong, mỗi năm gia đình thu lãi 50 triệu đồng, một nửa tôi gửi tiết kiệm, một nửa làm vốn tái sản xuất mùa sau”.
Tập trung phát triển kinh tế từ dong riềng hiệu quả, nên đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo xã Nguyễn Huệ có những đổi thay đáng kể. Những con đường nhựa hóa, bê tông hóa phẳng lì, những căn nhà cao tầng nối nhau san sát. Đồng thời, cuộc sống của người dân cũng có những thay đổi tích cực, người nghèo giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, với giá bán hiện nay từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, miến dong Án Lại vẫn có giá rẻ hơn dù chất lượng không hề thua kém so với các loại miến trên thị trường. Ông Hoàng Văn Tư trăn trở về con đường phía trước của thương hiệu miến dong Án Lại: Sản xuất miến tại Án Lại gặp nhiều khó khăn từ ngoại cảnh đất đai xen kẽ đồi núi nên diện tích trồng manh mún, khó tập trung. Bên cạnh đó, sản xuất miến phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên khi trời mưa, hoạt động sản xuất gần như đóng băng, sản lượng giảm rõ rệt.
Hiện nay, HTX đã chủ động vùng nguyên liệu hơn 100ha và làm chủ quy trình chế biến miến dong đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX mong muốn Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng đồng hành cùng HTX phát triển thương hiệu miến dong Án Lại gắn với chuỗi giá trị, chắp cánh cho miến dong Án Lại vươn xa hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng đề xuất được cấp mã truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tạo tiền đề thuận lợi đưa các sản phẩm vào siêu thị lớn, đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước và quốc tế.