HTX chế biến gỗ Sông Hiến (TP. Cao Bằng) thành lập vào năm 1999, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ và sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải. Sản phẩm của HTX chủ yếu là gỗ bóc, ván ép, cốt pha phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đến nay, HTX đã kết nối sản xuất theo chuỗi trồng rừng - khai thác - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu. Trải qua nhiều biến động của thị trường, HTX chế biến gỗ Sông Hiến liên tục đổi mới qua từng thời kỳ để vững vàng hơn trong ngành khai thác, chế biến gỗ ở tỉnh Cao Bằng.
Khai thác 1, "phủ xanh" 5
Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến lâm sản, HTX thuê đất của người dân để trồng rừng, chủ động nguồn nguyên liệu, đồng thời liên kết với gần 200 hộ, bao tiêu thu mua cây gỗ, giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất và phủ xanh đồi trọc. HTX chủ yếu thu mua gỗ thông và gỗ keo. Tùy vào độ tuổi và chất lượng gỗ, sau 7-10 năm trồng rừng, bà con có thể thu về lợi nhuận 100-150 triệu đồng/ha.
Ông Trần Quang Hoàng, Giám đốc HTX chế biến gỗ Sông Hiến cho biết, chiến lược phát triển của HTX là cân bằng giữa việc khai thác, chế biến gỗ với việc trồng rừng. Nếu HTX khai thác một quả đồi thì sẽ phủ xanh 4-5 quả đồi khác để đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào và cân bằng hệ sinh thái.
Với lợi thế này, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu hiếm khi xảy ra ở HTX Sông Hiến trong khi nhiều cơ sở chế biến gỗ khác “điêu đứng” vì thiếu nguồn nguyên liệu, hoạt động sản xuất đình trệ. Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư khoảng 20 chiếc ô tô tải, máy xúc các loại để thuân tiện cho quá trình khai thác và vận chuyển, hạn chế chi phí phát sinh.
Những 10 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ bóc xuất khẩu nở rộ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không nằm ngoài vòng xoáy thị trường tuy nhiên ban quản trị HTX đưa ra những chiến lược phát triển bền vững, không vội vàng chạy theo lợi nhuận.
Theo đó, HTX mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ với máy móc thiết bị hiện đại, các dữ liệu được lập trình sẵn, công nhân chỉ cần điều khiển máy, tiết kiệm sức lao động và nâng cao năng suất. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất được khoảng 7-10m3 gỗ bóc thành phẩm.
Giám đốc HTX tiết lộ, nhờ đầu tư công nghệ, lợi nhuận chế biến gỗ tăng gấp 2-3 lần so với gỗ thô. Ở thời kỳ công nghệ lên ngôi, HTX buộc phải “chạy đua” để theo kịp thời đại và tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó mới có thể tồn tại giữa hàng nghìn doanh nghiệp chế biến gỗ trên cả nước.
Năm 2019, doanh thu của HTX đạt hơn 7.8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
An toàn lao động để phát triển bền vững
Người lao động trong nghề khai thác, sản xuất và chế biến gỗ thường xuyên sử dụng các loại máy móc có các lưỡi cưa sắc nhọn, máy cắt, khoan đục kim loại nên chỉ cần một phút lơ là có thể xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Do đó, để bảo đảm phát triển bền vững, yếu tố an toàn lao động (ATLĐ) được HTX hết sức chú trọng.
Hầu hết thành viên, người lao động trong HTX đều trải qua các lớp đào tạo. Những kiến thức, kỹ năng về vận hành máy móc, an toàn về điện, bảo hộ lao động đều được trang bị cụ thể từ lý thuyết đến thực hành nhằm bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả.
Theo ông Vũ Văn Thanh, công nhân của HTX cho biết người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như găng tay, quần áo, khẩu trang… Đồng thời, tập huấn cho người lao động kiểm tra máy móc, nguồn điện trước khi vận hành, tuyệt đối không sản xuất nếu các điều kiện sản xuất không an toàn.
Ngoài ra, do gỗ là vật liệu dễ cháy nên HTX cũng quy định công nhân tuân thủ công tác phòng chống cháy nổ, không hút thuốc trong khu vực làm việc.
Nhờ việc ban quản trị HTX thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người lao động tuân thủ quy định của HTX và đảm bảo ATLĐ nên từ khi thành lập đến nay, HTX chưa để xảy ra vụ tại nạn nghiêm trọng nào.
Để đứng vững trên thương trường hơn 20 năm, HTX Sông Hiến hẳn đã có những chiến lược phát triển sáng suốt và bền vững. Bên cạnh những thành quả đạt được, HTX Sông Hiến cũng phải đối mặt với nhiều “khó khăn trường kỳ” và những thách thức mới khi đại dịch Covid-19 bất ngờ lan rộng vào đầu năm 2020. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị đình trệ trong thời gian ngắn nhưng tổn thất năng nề nhất là việc không thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông Trần Quang Hoàng cho biết: Hiện nay, khu vực xưởng của HTX đang thuê của người dân và nỗi lo thường trực của ban quản trị là người dân có thể phá hợp đồng, đòi đất bất cứ lúc nào. Do đó, việc xây dựng nhà xưởng, đầu tư cơ sở vật chất còn gặp nhiều trở ngại. HTX mong muốn được thuê đất trong thời hạn dài, có thể từ 20-50 năm để HTX yên tâm sản xuất, kiến thiết trụ sở và mở rộng xưởng.
Bên cạnh đó, HTX tham vọng sẽ đầu tư công nghệ, máy móc để chế biến gỗ sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu gỗ Sông Hiến trên thị trường. Nhưng ý tưởng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu vốn và tác động của Covid-19.
Năm 2020 được coi là năm “kinh tế buồn” của HTX khi hàng hóa tồn kho, sản xuất giảm, lãi ngân hàng phải trả đều... những khó khăn chồng chất khó khăn. HTX đề xuất Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng hỗ trợ HTX tiếp cận với các dự án vay vốn lãi suất thấp, vực dậy HTX khỏi những cú bồi từ đại dịch Covid-19 và khởi động năm 2021 mạnh mẽ hơn.
Nguồn tin: Phóng viên Xuân Mai - Thời báo kinh doanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn