Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ hai - 06/11/2017 10:02
Những năm qua từ trung ương đến các địa phương đã chỉ đạo thực hiện Luật Hợp tác xã và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các nông hộ nhỏ với các cơ sở chế biến, tiêu thụ, nhiều HTX đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 50% HTX nông nghiệp đạt loại khá trở lên, cả nước mỗi năm có từ 200 đến 300 HTX nông nghiệp được thành lập mới, mỗi tỉnh xây dựng ít nhất 5 - 10 mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Để khắc phục những tồn tại của HTX nông nghiệp và phấn đấu thực hiện mục tiêu đã đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp, cụ thể như:
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của hợp tác xã; phân biệt rõ sự khác nhau giữa hợp tác xã với các loại hình sản xuất, kinh doanh khác.
- Tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; đặc biệt gắn với việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
- Ngoài các hỗ trợ chính sách của Trung ương, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
- Tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp hiện có theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và chỉ đạo xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại hoạt động theo Luật trước ngày 01/7/2016.
- Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp để tập trung nguồn lực xây dựng những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thực tiễn; tổ chức đối thoại với các hợp tác xã thường xuyên để phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chính sách hiện hành.
- Có kế hoạch tăng cường đào tạo cán bộ hợp tác xã, chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình hợp tác xã trong nước hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tăng cường năng lực, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hợp tác hoạt động có hiệu quả.
- Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động và hoạt động hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp của địa phương. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp ở các cấp, nhất là việc kiện toàn và nâng cao năng lực các Chi cục Phát triển nông thôn đủ sức đảm đương nhiệm vụ.