Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 13/8/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, giai đoạn 2002 - 2021, cả nước có 20.234 HTX thành lập mới, bình quân có 1.012 HTX/năm. Các HTX, THT lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút gần 3 triệu thành viên chủ yếu là đại diện hộ cá thể ở địa bàn nông thôn, chiếm 9,5% tổng số hộ cá thể cả nước. Phần lớn các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2003 chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, cơ cấu HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, lĩnh vực môi trường và dịch vụ có xu hướng tăng. Các địa phương cơ cấu lại 7.284 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX phi nông nghiệp có quy mô vốn, tài sản, doanh thu và lợi nhuận khá cao. Đến cuối năm 2021, trừ Quỹ tín dụng nhân dân, vốn điều lệ bình quân đạt 2,88 tỷ đồng/HTX, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2011 và tăng 8,2 lần so với năm 2002, gấp 1,4 lần so với HTX nông nghiệp.
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX, cả nước có 1.618 lượt HTX phi nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; 725 lượt HTX được hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Khả năng tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, qua đó đưa tỷ lệ tín dụng đối với HTX sau chuyển đổi, tổ chức lại có xu hướng tăng; từ năm 2013 - 2020 có 2.315 HTX được vay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương với doanh số 1.281,9 tỷ đồng.
Tại tỉnh Cao Bằng, thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển HTX, đưa KTTT của tỉnh đổi mới và phát triển như: Chính sách cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới HTX… Đến nay, toàn tỉnh có 265/377 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Liên minh HTX tỉnh tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, thu hút 928 lượt người tham gia; hỗ trợ mua thiết bị, đổi mới trang thiết bị cho 5 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế như: quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13 chậm, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn lúng túng, thiếu các biện pháp, giải pháp cụ thể, thậm chí chưa thực sự quan tâm đúng mức đến KTTT, HTX. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh nhưng số HTX hoạt động hiệu quả còn thấp, thiếu tính bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp chưa cao. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân chưa nhiều...
Tại hội nghị, các bộ, ngành địa phương kiến nghị với Trung ương về chính sách đối với HTX phi nông nghiệp; xu hướng và giải pháp phát triển HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp; một số chính sách hỗ trợ HTX về vốn; việc áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn thấp; việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia còn hạn chế; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thiếu, yếu và bất cập...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả KTTT, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, tầm quan trọng của KTTT, HTX trong điều kiện mới, đặc biệt là vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển; kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, liên minh HTX các cấp và tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến KTTT.
Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế. Tư vấn, hỗ trợ các tổ chức KTTT ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT, HTX, liên hiệp HTX. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các liên hiệp HTX, HTX, tổ HTX, nông dân. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT đáp ứng trong xu thế phát triển hội nhập kinh tế.
Nhân dịp này, Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen cho 19 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp có thành tích xuất sắc trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Nguồn tin: P.O. Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn